Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News

Back
Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới (*)
Bài 3: Hai lần thoát chết
SGGP:: Cập nhật ngày 03/01/2007 lúc 16:02'(GMT+7)

Trong sáu năm ở Thương hội Ato, tôi đã học được phần nào kỹ thuật sửa chữa và lái xe ô tô. Ông chủ rất tin dùng nên cho phép tôi mở chi nhánh. Năm 22 tuổi, tôi tự dựng bảng hiệu “Chi nhánh Hamamatsu Thương hội Ato”, khai trương hoạt động sửa chữa xe ô tô ở thành phố Hamamatsu gần quê nhà.

Chi nhánh Hamamatsu

Lái thuyền máy tự chế tạo dạo chơi

Cái tên “Chi nhánh Hamamatsu Thương hội Ato” nghe có vẻ to lớn nhưng thật ra chỉ là một cơ sở đơn sơ với tôi và thêm một cậu nhỏ học việc. Tuy được gọi là chủ tiệm nhưng thật ra tôi chỉ là cậu thanh niên vừa qua nghĩa vụ quân sự. Thật khó lòng có ai muốn giao việc cho tôi vì họ suy nghĩ: “Cậu ấy còn trẻ như vậy thì làm gì được?”.

Nhưng lần lượt những chiếc xe ô tô nào không sửa được ở các cơ sở khác, khi mang tới cơ sở tôi, sửa xong lại chạy tốt nên bắt đầu có tiếng đồn rằng ở chỗ tôi “bất cứ việc gì cũng sửa được”. Từ đó, công việc bắt đầu đi vào quỹ đạo. Đến cuối năm đó, khi thử kết toán thì chúng tôi còn lại được đến 80 yên.

Năm đầu tiên, mới 22 tuổi mà được số tiền lãi 80 yên, tôi rất vui sướng. Vào thời đó, tôi quyết tâm cả đời mình phải để dành được 1.000 yên. Với quyết tâm ấy, tôi làm việc liên tục không ngơi nghỉ. Mặt khác, bản thân cũng thích máy móc và khéo tay nên tôi không ngừng cải tiến, nghiên cứu, chế tạo mọi cái có trong tay. Đối với tôi không gì thú vị hơn thế.

Thời đó căm xe tải, căm xe ô tô chở khách và căm xe các loại xe ô tô khác đều được chế tạo bằng gỗ. Đây là một vấn đề tôi quan tâm nên tôi nghiên cứu việc đúc căm xe bằng kim loại. Sau khi đăng ký sáng chế, giới thiệu ở Hội chợ Quốc tế, căm xe kim loại này được thị trường đánh giá rất cao và còn được xuất khẩu sang tận Ấn Độ.

Tay chơi trẻ

Năm 22 tuổi tôi dự  định để dành 1.000 yên trong cả đời mình nhưng chỉ vài năm sau mỗi tháng tôi có thể kiếm hơn 1.000 yên. Số công nhân của tôi tăng lên khoảng 50 người, xưởng dần dần được mở rộng. Khi thu nhập tăng cao thì ý tưởng chơi bời hưởng thụ cũng nhiều hơn và ý thức dành dụm cũng tự nhiên biến mất. Khoảng 25, 26 tuổi, tôi đã có xe riêng và có tới hai chiếc, thời đó người ta nể phục gọi là “xe tư”.

Dĩ nhiên là toàn xe của nước ngoài. Tôi vẫn thường chở các cô kỹ nữ đi chơi bằng xe đó. Một ngày nọ, tôi chở một cô kỹ nữ trẻ đi Shizuoka để ngắm hoa anh đào. Ngắm hoa rồi uống rượu say, trên đường về, tôi vừa uống rượu vừa lái xe chạy thăûng lên cầu trên sông Tenryu.

Sau khi chạy được một quãng, xe tôi bị lệch tay lái tông vào thành cầu, trong nháy mắt phá hư hai mươi mấy cây trụ thành cầu, nguyên xe chiếc ô tô rơi xuống sông. Đây đúng là chuyện say rượu lái xe. Nhưng cũng may, cầu không quá cao và xe khi rơi xuống đã kẹt lại trên bờ trước khi rơi xuống sông nên cả hai chúng tôi thoát chết.

Năm 27 tuổi tôi cưới vợ. Ngày đó, tôi tự mình lái xe ô tô đi đón cô dâu. Người làng vợ tôi hỏi nhau: “Lấy chồng tài xế à” và có ý rất nể trọng vợ tôi. Thời đó, rất hiếm người có xe riêng, nên thời đó tài xế thường được gọi là “ông tài”.

Cuộc đua kinh hoàng

Khi còn trẻ, ngoài công việc tôi còn có thú tiêu khiển là chế tạo thử nhiều loại máy móc. Sưu tầm, đụng chạm với máy móc vốn là đam mê của tôi. Trong những thứ máy móc tôi chế tạo khi rảnh rỗi thì không thể không nói đến xe ô tô đua.

Giây phút xảy ra tai nạn đua xe. Người bị hất tung văng ra khỏi xe đua đang lật ngược chính là ông Honda Soichiro

Ông chủ tôi trước đây ở Thương hội Ato (Tokyo) vốn thích xe ô tô đua (racer) nên bảo tôi chế tạo thử. Tôi đã chế tạo được hai xe từ việc cải tạo lại động cơ Curtiss mua lại của trường Hàng không ở Tsudanuma (Chiba). Xe đua này chạy rất khỏe và đạt giải nhất.

Tất cả những việc này giải thích lý do tại sao khi trở lại Hamamatsu, hễ có thời gian rảnh là tôi lại cặm cụi chế tạo xe đua. Trong lòng tôi lúc nào cũng nôn nóng đến ngày được chạy thử trong cuộc đua thực tế.

Ngày mong đợi đã đến, tôi tham gia vào cuộc đua xe ô tô dọc theo bờ sông Tamagawa Tokyo. Có thể nói đây là cuộc viễn chinh từ Hamamatsu. Tôi đã tham gia nhiều  cuộc đua với một số lần đoạt giải vô địch.

Tháng 7 năm Chiêu Hòa 11 (1936), 37 tuổi, tôi tham gia giải đua tốc độ xe ô tô toàn quốc Nhật Bản tại Tamagana. Tôi tự lái chiếc xe do mình chế tạo vượt hơn tốc độ 120 km/g chạy gần về tới đích nhưng ngay ở những giây phút cuối cùng thì một chiếc xe đang sửa chữa từ bên đường đâm ra, đụng vào xe tôi.

Trong tích tắc, xe tôi  quay lộn ba vòng trên không như con chuồn chuồn. Tôi có cảm giác thân tôi bị va đập mạnh, tầm nhìn của tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Tôi bị hất tung lên, văng ra khỏi xe và đập mạnh xuống đất, bị hất lên lần nữa và bất tỉnh.

Tỉnh lại trên giường bệnh viện, tôi có cảm giác đau nhức dữ dội toàn mặt mũi. Tôi đã được đưa vào bệnh viện bằng xe cấp cứu. Với nửa mặt bên trái bị giập nát, cánh tay phải gãy rời khỏi bả vai, cổ tay bị gãy. Em trai tôi ngồi ở ghế phụ lái cũng bị thương nặng, xương sườn bị gãy bốn cái. Cô y tá kinh ngạc nói: “Thật chỉ có trời phật phù hộ nên cả hai người mới sống sót”.

Vết thương đó bây giờ vẫn còn ở cạnh mắt trái của tôi. Xe đua lúc đó là chiếc xe Ford được cải tạo lại. Tốc độ120 km/g tôi đã lái là kỷ lục mới của toàn quốc. Vì tai nạn, bỏ lỡ cơ hội vô địch nhưng tôi vẫn nhận được giải đặc biệt. Đời người nghĩ cũng khó hiểu, có người mất mạng mặc dù lái xe chậm chạp với tốc độ 20-30 km/g và có người lại sống sót dù gặp phải tai nạn với tốc độ kinh hoàng như tôi. Đúng là chuyện chết đi sống lại. 

Bài 4: Giấc mơ mang tên “Dream”

Người dịch:  NGUYỄN TRÍ DŨNG

(*) Sách do Trung tâm Sách và xuất bản Báo SGGP kết hợp với trường Doanh thương Trí Dũng và NXB văn hóa Sài Gòn xuất bản.

Top


Bài 1: Đứa con người thợ rèn
Bài 2: Từ chú tiểu thành vị thánh
Bài 3 : Hai lần thoát chết
Bài 4: Giấc mơ mang tên “Dream”
Bài 5: Chinh phục những đường đua thế giới
Bài 6: Rút lui khi ở đỉnh cao quyền lực
Bài 7: Hành trình cảm tạ

More information:
  • Sài Gòn Giải Phóng Online