Go Link Main Sài Gòn Doanh Nhân Sài Gòn Giải Phóng Tuổi Trẻ Thanh Niên Người Viễn Xứ Other News
[ NICD-HOME ]

Back



 

“Không có nhân lực làm sao có thể được chuyển giao công nghệ?”
17:12 23/09/2014

BizLIVE - Giám đốc điều hành JETRO TP.HCM cho rằng, nếu Việt Nam không tập trung cao độ để phát triển nguồn nhân lực thì Nhật Bản sẽ rất khó để chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bởi công nghệ cao phải có nhân lực để tiếp nhận và vận hành.

 


JETRO và HEPZA làm việc bàn về phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng nguồn nhân lực (ảnh: Ngôn Dân).

Chiều 23/9, tại TP.HCM, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã tổ chức buổi làm việc về phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng nguồn nhân lực.

Dự kiến, tại buổi làm việc này, hai bên sẽ thành lập Nhóm làm việc về phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành JETRO TP.HCM cho biết, các hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại của các nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ dừng lại ở TP.HCM mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận, do đó, đề án phát triển nguồn nhân lực phải phù hợp với tình hình, mục tiêu của từng địa phương.

Ông Hirotaka Yasuzumi cũng đã đánh giá cao nhận thức của Chính phủ Việt Nam là không chỉ tập trung thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ mà còn khuyến khích các doanh nghiệp địa phương cũng như mở rộng xúc tiến các hoạt động thương mại.




Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành JETRO TP.HCM phát biểu nhấn mạnh về xây dựng nguồn nhân lực để chuyển giao công nghệ (ảnh: Ngôn Dân).

Phải xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ bản địa

Theo các chuyên gia, Việt Nam phải hướng mục tiêu làm sao phát triển công nghiệp hỗ trợ bản địa. Điều này mới là quan trọng để Việt Nam làm chủ được ngành công nghiệp được xem là nền tảng này.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, việc xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ bản địa sẽ giúp Việt Nam làm chủ được chuỗi giá trị cung ứng đồng thời giữ được giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng đó. Điều này cũng tránh được tình trạng cứ ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài rồi cuối cùng Việt Nam cũng không giữ được gì.

Theo ông Lê Hoài Quốc, hiện Việt Nam vẫn chưa chế biến được sắt thép chất lượng cao phục vụ cho nền công nghiệp. “Việt Nam chỉ có thể sản xuất các chủng loại thép thông thường cho các ngành xây dựng cơ bản nhưng những loại thép hợp kim cho ngành công nghiệp chế tạo máy gần như không sản xuất được”, ông Quốc nhấn mạnh.

Để có một nền công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được yêu cầu, ông Lê Hoài Quốc cho rằng, các doanh nghiệp lớn (mà nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước) của Việt Nam phải đảm nhận vai trò chủ đạo chứ các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó làm được điều này. Do đó, nhà nước phải hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp lớn đó.

Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không đứng ngoài cuộc, mà khối doanh nghiệp này sẽ tham gia ở các khâu cung cấp nguyên liệu, gia công hoặc chế tạo.

Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH SX - TM Xây dựng Minh Trân, để xây dựng công nghiệp hỗ trợ phải chọn doanh nghiệp nào hiện nay ở Việt Nam đã có thành tích sản xuất, thành tích xuất khẩu, có những tiêu chuẩn được chứng nhận quốc tế, qua đó nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp này.

“Còn nếu chỉ quanh quẩn, loay hoay điều chỉnh chính sách thì mãi cũng không thoát ra được. Bây giờ phải bắt tay ‘đổ nền tảng’ cho chắc đã”, ông Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.

Nhân lực phải đáp ứng vị trí nòng cốt

Theo kết quả điều tra của Bộ Công thương Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JBAH) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực không chỉ với kỹ thuật viên mà còn đối với cả đội ngũ kinh doanh, quản lý.

Vấn đề của nguồn nhân lực đang nằm ở đâu? Kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra rằng, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thực tế của lao động người Việt chưa đủ đối với yêu cầu nguồn nhân lực đòi hỏi có kỹ năng cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng chưa hài lòng về tính kỹ luật cũng như thái độ của nhân viên Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá chưa cao về kỹ năng của lao động người Việt Nam khi xử lý ở hiện trường sản xuất, đặc biệt là năng lực phân tích các con số.

Theo JICA, khi làm việc với các công ty Nhật Bản, các ý kiến đưa ra đều cho rằng, trình độ kỹ thuật của nhân lực tại Việt Nam hiện nay chưa đạt được mức mà các công ty yêu cầu, kể cả nhân lực đã từng được đào tạo chuyên môn.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài ưu điểm là chăm chỉ, nhẫn nại, chân chất, có thiện cảm với Nhật Bản và mong muốn phát triển sự nghiệp, lao động người Việt Nam vẫn có những nhược điểm như tính cá nhân cao, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu tầm nhìn dài hạn và toàn thể.

Tại buổi làm việc với phía Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, vấn đề của nguồn nhân lực mà họ quan tâm là làm thế nào để phát triển được nguồn nhân lực đảm bảo được các vị trí nòng cốt, ổn định trong công ty cũng như đảm bảo công tác chuyển giao công nghệ.

Ngôn Dân

Source: BizLIVE


Top